Theo cô giáo Lã Thị Luyến, giáo viên trương THPT Chuyên Lào Cai cho biết, mô hình nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng tại đây, với mục đích là để cho các em học sinh áp dụng những kiến thức đã được giảng dạy vào thực tiễn, gắn học đi đôi với hành, giúp cho các em nắm và hiểu kiến thức được sâu hơn, đồng thời cho các em từng bước tiếp cận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật được áp dụng vào nông nghiệp, nâng cao giá trị và sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp, từ đó hình thành lên tư duy sản xuất nông nghiệp trong thời đại mới, thời đại của nền công nghiệp 4.0.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọt - Trường THPT số 4 Văn Bàn cho biết: "Gắn những kiến thức đã học với thực tiễn và chúng tôi mong muốn thông qua trải nghiệm các mô hình, các em về có thể giúp đỡ gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Ví dụ như lý thuyết các em học cần phải bón vôi để cải tạo đất, hay các em chăm sóc cây phù hợp với từng giai đoạn của cây, các em sẽ xuống vườn trực tiếp để chăm sóc, bắt sâu, phòng trừ dịch hại như thế nào... Tôi thấy các em rất là hứng thú".
Đưa sản phẩm vào bữa ăn bán trú
Hiệu trưởng trường THCS Khánh Yên Hạ cho biết, sản phẩm sau khi thu hoạch về được đem phục vụ cho chính bữa ăn của các học sinh bán trú tại trường. Khu vực trồng rau xanh công nghệ cao của nhà trường đủ chia đều cho các lớp và là nguồn thực phẩm phong phú, sạch, dồi dào. Khi trồng trong nhà lưới thì áp dụng kỹ thuật cao hơn, không bị bên ngoài tác động vào, hạn chế được sâu bệnh từ đó sản phẩm nhiều và chất lượng.
Cô giáo Trần Thùy Dung, giáo viên trường THPT Chuyên Lào Cai thì cho biết, số rau, củ quả được trồng bằng phương pháp ứng dụng công nghệ cao tại nhà trường đến thời kỳ thu hoạch sẽ được các thầy cô giáo nhà trường mua lại, số tiền có được từ bán các sản phẩm nông nghiệp được nhà trường các em vận hành lại cho mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này.
Như vậy, có thể nói việc đưa mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trường học vừa là điều kiện để học sinh được thực hành, áp dụng những kiến thức đã được học tập từ sách vở vào thực tiễn trong việc trồng, chăm sóc các loại rau, củ quả. Từ những mô hình này giúp cho các em học sinh nắm bắt được kiện thức sâu rộng hơn từ lý thuyết để thực hành có hiệu quả hơn trong việc trồng và chăm sóc các cây con trong nông nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là một trong những hình thức tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của các em, làm cho bữa ăn bán trú của các em học sinh miền núi có thêm khẩu phần ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng và là sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh.
Thầy giáo Lục Cao Cường – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 4 Văn Bàn cho biết: "Năm học 2019 - 2020 nhà trường xác định dạy học qua mô hình là nhiệm vụ trọng tâm, không những giúp cho các em kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp mà ở đây việc học sẽ gắn lý thuyết với thực tiễn. Qua đây thấy rằng định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THPT khá rõ nét. Ví dụ các em học những nghề gắn với việc học tại trường, một số em ko có điều kiện học nghề thì trở về địa phương, ứng dụng những lý thuyết đã học vào cuộc sống".
Mặc dù còn sơ khai, nên các mô hình bước đầu mới dừng ở việc cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho học trò. Nhưng giáo dục ý thức trách nhiệm, quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho học sinh mới là mục tiêu sâu xa mà Trường THPT số 4 Văn Bàn hướng tới.
Đưa mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trường học hiện nay đang là một hoạt động học đi đôi với hành của một số nhà trường, nhất là các trường học ở một số huyện miền núi, hoạt động này giúp các em có thêm kỹ năng trong trồng trọt các sản phẩm nông nghiệp, từ đó giúp cho các em có thêm kiến thức sau này khi về với gia đình để phát triển, tăng gia sản xuất và chăn nuôi, giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đây là một mô hình học tập rất cần được nhân rộng.