19 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục đứng đầu nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đem về 18,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

19-mat-hang-xuat-khau-vuot-1-ty-USD

Theo đại diện Bộ Công Thương, 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%.

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2021, cả nước có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.

Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, bao gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 19,4%; điện tử, máy tính và linh kiện 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%.

Ngoài ra, xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may 9,5 tỷ USD

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng 24,2%

Bức tranh toàn cảnh 4 tháng đầu năm về xuất - nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản tiếp tục có nhiều điểm sáng. Trong tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu ước 32,07 tỷ USD, xuất khẩu đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 14,93 tỷ USD, tăng 48,7%; xuất siêu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 41,1%...

033.jpg

Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường.   Ảnh: Minh Trí.

Tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, giảm 13,3% so với tháng 3/2021; trong đó giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD.

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, như: cao su tăng 79,6% về khối lượng và tăng 111,6% về giá trị; chè tăng 1,6% về khối lượng và tăng 7,9% về giá trị; sắn tăng 65,3% về khối lượng và  23,9% về giá trị. Cùng với đó, nhóm hàng rau quả tăng 9,5%, sản phẩm chăn nuôi tăng 37,4%, cá tra tăng 2,8%, tôm tăng 5,5%; sản phẩm gỗ tăng 71,4; mây, tre, cói thảm tăng 65,9%; quế tăng 28,1% về giá trị xuất khẩu.  

Xuất khẩu đồ gỗ tăng mạnh

Ngành hàng đồ gỗ trong 4 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng, thậm chí còn mạnh hơn những năm trước, tăng 71,4% về giá trị, đạt kim ngạch 5,81 tỷ USD. Các khách hàng lớn nhất của gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp gỗ đều có đơn hàng nhiều hơn hẳn so với thời điểm này năm ngoái. Do dịch bệnh Covid-19, người dân nhiều nước phải ở nhà làm việc qua mạng nên có nhu cầu cao về trang bị bàn, ghế, gường tủ mới... trong nhà nhằm tạo không gian đẹp hơn. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.

Xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4 năm 2021 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm nay đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 4/2021 đạt 100 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 451,1 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Mỹ và Myanmar là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2021 từ Trung Quốc tăng 59,6%, Mỹ giảm 5,9%, Myanmar tăng 35,1%. Những tháng đầu năm 2021, hoạt động trồng trọt diễn ra trong điều kiện thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Một số loại trái cây mùa hè bắt đầu cho thu hoạch rải rác như mận Sơn La, vải U Hồng, U Trứng Tây Nguyên… Trong tháng 4/2021, thị trường trái cây ít biến động hơn so với tháng trước. Giá nhiều loại trái cây ổn định ở khu vực phía Bắc, trong khi một số loại trái cây phía Nam tăng – giảm nhẹ do vào cuối vụ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021.

Theo USDA, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.

Một số thị trường dự kiến tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d’Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và Liên minh châu Âu (EU) (tăng 2,1%).

Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

(trích ktnt)