Cụ thể, đối với người nuôi tôm nước lợ cần lấy nước vào ao chứa lắng, khử trùng loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trước khi sử dụng, nhất là tại các khu vực nước cấp có mật độ vibrio tổng số vượt ngưỡng. Duy trì mực nước ao nuôi ít nhất 1,5 m để hạn chế những biến động môi trường bất lợi do nắng nóng gây ra (nhất là hàm lượng oxy thường dao động lớn trong ngày và đêm, hoặc khi thời tiết oi bức thường dẫn tới hiện tượng thiếu oxy cục bộ).
Tăng cường kiểm tra oxy (nhất là về ban đêm), tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí để tránh thiếu oxy và phân tầng oxy và nhiệt độ trong ao nuôi. Nên bón vôi xung quanh bờ ao khi có mưa lớn nhằm hạn chế hiện tượng giảm đột ngột pH và độ kiềm, gây sốc môi trường tôm nuôi.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần cho tôm ăn đúng khẩu phần không nên để dư thừa thức ăn sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thực hiện tốt các biện pháp quản lý ao nuôi. Đồng thời, theo dõi sức khỏe tôm nuôi bằng cách quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày cùng với việc kiểm tra sàng ăn để có biện pháp xử lý kịp thời. Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi.
Đối với nuôi tôm hùm và cá biển, người nuôi nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, san thưa mật độ nuôi. Bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm cải thiện sức khỏe cho vật nuôi trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Lưu ý, người nuôi cần thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, các bao đựng thức ăn, chất thải sinh hoạt đưa vào đất liền xử lý theo đúng qui định nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường vùng nuôi. |