Cha truyền con nối giữ hồn cho rừng U Minh hạ

Nghề rừng phải bám rừng vất vả quanh năm, nhưng gia đình ông Mười Ngọt lại truyền ngọn lửa đam mê nghề rừng từ đời này qua đời khác. Không phụ người, rừng U Minh đã đổi đời cho gia đình ông từ những sản vật vốn có.

Cha-truyen-con-noi-giu-hon-cho-rung-U-Minh-ha

Ba thế hệ cùng đam mê

Cuối tuần, theo chân người bạn vào Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở  ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời - Cà Mau). 

Thấy tôi tròn mắt thích thú nhìn người bạn câu được hàng chục con cá lóc, mỗi con đều hơn 1kg, ông Mười Ngọt, 66 tuổi, chủ khu du lịch nói: Trời lạnh cá ít ăn hơn, chứ mọi hôm câu một buổi là được hơn 10kg. Cá ở đây nhiều lắm.

Ông kể, cha mẹ ông gốc ở huyện Cái Nước. Ông là con thứ 10 trong nhà nên bà con quen gọi Mười Ngọt. Hồi mới cưới vợ, phiêu bạt về xứ này làm mướn mưu sinh. Đặt lờ giăng lưới cắm câu đổi gạo. Máu mê rừng thắm vào lúc nào không hay. Từ tích lũy và vay mượn thêm gia đình, ông mua được vài công rừng khai hoang trồng lúa. Trải qua nhiều năm, ông bây giờ có hơn 1.000ha rừng. Những mảnh ruộng khai phá từ rừng trước kia, ông lại quay về trồng rừng để chúng tái tạo nguồn sản vật rừng lại cho U Minh hạ.

3.jpgÔng Mười Ngọt hướng dẫn cho cháu nội (Phạm Đăng Khôi 10 tuổi, con anh Khanh) cách khống chế rắn ri tượng nặng hơn 3kg vừa bắt được trong rừng U Minh.

Ông có mấy đứa con,  nhưng con thứ Phạm Văn Khanh là đam mê rừng nhất. Ngay cả cháu nội ông mới 10 tuổi -  Phạm Đăng Khôi (con anh Khanh) - cũng đam mê rừng giống hệt ông. "Tờ mờ sáng, hai cha con nó đã chống xuồng vô rừng thăm lưỡi dỡ lộp. Kiếm mớ cá đồng, rắn rừng về chuẩn bị đón đoàn khách cuối tuần. 10 tuổi chớ đặt trúm lươn giỏi lắm đó chú", chỉ tay về phía cháu nội khệ nệ kéo cái lợp đầy cá dưới xuồng lên, ông Mười Ngọt cười vui vẻ nói.

2.jpg
10 tuổi nhưng Đăng Khôi đã có thể đặt lờ, lú, trúm để bắt lươn cá, rắn trong rừng U Minh.

Năm  2015, ông nghe nói U Minh thượng  Kiên Giang có khu du lịch sinh thái. Ông mê lắm, nhưng trăn trở vì sao U Minh hạ mình Cà Mau không có? Sau nhiều đêm suy tính, ông quyết định nộp đơn ra tỉnh xin được làm. Tỉnh ủng hộ, vậy là Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ra đời. Mê rừng, ủng hộ cha, anh Khanh trở thành trợ thủ đắc lực quản lý mọi việc cho ông. Lúc đó, sản lượng ong mật cá lươn rắn rùa, chim chóc có hạn, khi có quá nhiều người cùng khai thác. Cha con ông bàn tính đi thu gom cá rắn con của bà con xung quanh. Đem về đổ trong rừng cho chúng sinh sản tái tạo lại. Thậm chí, mua cả máy ấp trứng, đi gom mua trứng le le, trích cồ, cò trắng về ấp. Rồi gom mua vài trăm con chim cò  khác thả về rừng. Dần dần, nguồn cá, chim rắn ngày càng tăng nhiều  trong tự nhiên như bây giờ.

1-3.jpg
Anh Khanh giới thiệu cách gác kèo ong mật, mỗi năm gia đình anh thu được hàng ngàn lít mật ong rừng U Minh nguyên chất.

Giữ sản vật, rừng không phụ người

Sản vật của rừng tuy nhiều nhưng không vô hạn, mình muốn bám vào rừng để làm giàu cần phải tái tạo nguồn giống  bền vững. Đó là bí quyết làm giàu của gia đình ông Mười Ngọt.

Hơn 1.000 ha rừng của gia đình ông Mười Ngọt thuộc vùng đệm rừng U Minh hạ trở thành nơi ông tái tạo đàn cá đồng, rùa rắn, chim chóc. Trên diện tích 66ha  rừng sản xuất, ông trồng tràm nước rồi khai thác theo kiểu cuốn chiếu. Mỗi năm khai thác vài hecta tràm, đạt vài tỷ đồng. Đây là loại nguyên liệu phù hợp dùng để đóng cừ nền móng cho các công trình xây dựng trong, ngoài tỉnh. Bất kể mùa nào cũng đều có các nhà thầu xây dựng hay thương lái tìm tới cha con ông Mười để hỏi mua. Nhưng cái đam mê đẻ ra tiền của cha con ông ngoài con cá, cây tràm còn là nghề kèo ong. "Mùa hạ 2022 này, thả 2.000 kèo ong, chỉ cần đạt 50%  là kiếm vài ngàn lít mật ong rừng U Minh nguyên chất", anh Khanh nói.

Nhờ có phương pháp tái tạo nguồn giống tự nhiên và khai khác khoa học, mỗi năm, Khu du lịch Mười Ngọt thu hoạch 2.000-3.000 tấn cá đồng, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Với mức giá hiện nay, nguồn sản vật rừng cho gia đình anh thu nhập chục tỷ mỗi năm là chuyện thường. Nhưng anh Khanh muốn việc giữ rừng bằng sản vật rừng một cách bài bản hơn.

Anh kể, cha con anh đang ấp ủ vay vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ nông - lâm, du lịch của tỉnh Cà Mau. Đầu tiên là mở con đường và bãi đổ xe để xe ô tô vào tận nơi. Sau đó kéo rào lưới B40 có tôn chặn cao 70cm, kèm điện lưới cho 66ha khu du lịch với mục đích chính là bảo vệ  nguồn cá đồng, không để thất thoát. Chuẩn bị vài hecta đất khác tự ương giống cá trê, cá rô, cá bổi, lươn, các loại rắn bản địa tại chỗ. 10ha khác trồng lúa để dưỡng cá, rắn theo kiểu tự nhiên trước khi đưa chúng về môi trường rừng sinh sôi nảy nở. Có vậy, anh Khanh có thể giữ và tăng năng suất  cá đồng mỗi năm.  Vay được sẽ làm, nhưng vay không được cũng vẫn làm. Anh sẽ bán mật ong, bán cá, bán đất để gom lấy tiền làm.

"Có vài tỷ sẽ làm vài tỷ, nhiều hơn sẽ làm nhiều hơn. Nó là ước mơ ấp ủ từ nhỏ của cha con em. Vì phải có sản vật của rừng thì mới đúng là rừng U Minh. Vì có nó mà gia đình mới đổi đời", anh Khanh nói.

Khu du lịch sinh Mười Ngọt là điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ nằm ở  ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời - Cà Mau). Nơi đây tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng mang tính dân dã, đem đến cho khách du lịch nhiều cảm giác khác nhau từ mạo hiểm, khám phá không gian bao la của rừng U Minh hạ. Mặc dù mới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid 19, nhưng mỗi tuần vẫn có đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm. Mục đích của khu du lịch là tạo nguồn kinh phí để cha con ông  Ngọt tái tạo lại sản vật cho rừng.

                                                                               

 Biểu Quân(ktnt)