“Hiện vườn xoài đẹp, người trồng còn thu hoạch, vì bán còn được giá chút, chứ vườn xoài xấu dường như chẳng thu hoạch. Bởi với giá xoài rớt thấp như hiện tại, nếu nông dân thuê người thu hoạch chỉ cho không người hái, thậm chí tốn tiền vận chuyển đem đi bán”, ông Khiêm chán nản nói.
Về việc giá xoài rớt mạnh, theo ông Khiêm, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao bởi giá dầu tăng thì việc xuất khẩu xoài Úc sang thị trường Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính) gặp khó khăn bởi nước này đang thực hiện chính sách "Zero Covid-19". Do đó, xoài Úc hiện nay chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước từ tỉnh Khánh Hòa trở ra phía Bắc.
Sâu đục quả hoành hành
Theo phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, toàn huyện hiện có trên 5.000ha xoài, trong đó phần lớn diện tích là xoài Úc. Hiện trên địa bàn huyện đang thu hoạch xoài Úc chính vụ với diện tích cho trái khoảng 1.400ha (bằng 40% diện tích cùng kỳ), tổng sản lượng ước đạt 8.400 tấn.
Bên cạnh nỗi buồn mất mùa, mất giá, xoài vào thu hoạch còn bị ruồi đục quả phát triển mạnh và gây hại mạnh, đặc biệt là sau các trận mưa trái mùa vừa qua, ruổi đẻ trứng vào quả xoài, gây hư hỏng, rụng trái rất nhiều.
Trong khi đó, do xoài đã ở thời kỳ thu hoạch nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi đục trái là không thể do vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV Cam Lâm đã hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ an toàn như: Dùng thuốc dẫn dụ diệt ruồi Vizubon, dùng tấm dính, dùng bả Metyl Eugernol (chất dẫn dụ ruồi đực) pha với 5% Nalet hoặc với thuốc trừ sâu có hoạt chất Fipronil để diệt ruồi đực.
Đối với việc tiêu thụ xoài, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, thực hiện thu hái những diện tích xoài đã đến kỳ thu hoạch, tránh gây rụng trái, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh, đặc biệt là ruồi đục trái phát triển mạnh.
Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cũng đang tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và quản lý mã số vùng trồng xoài với mục tiêu hướng tới xây dựng mã số cho tất cả các vùng trồng xoài và mã số đóng gói cho các cơ sở thu mua, sơ chế, bao gói trên địa bàn huyện nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu xoài chính ngạch, bền vững.
Cùng với đó, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ, hạn chế tình trạng trồng xoài manh mún, cũng như tuyên truyền để người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các cơ sở thu mua, chế biến xoài đẩy mạnh thu mua, chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ xoài tươi thời điểm chính vụ.